Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ và Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã triển khai lấy ý kiến của các nhà khoa học và đề xuất phương án nghiên cứu khai thác vật liệu san lấp tại chỗ của Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Ảnh minh hoạ.
Khai thác vật liệu san lấp tại chỗ của dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ
Đây là thông tin Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ đưa ra vào ngày 23/10. Trước đó, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ từ 600 ha lên 2.870 ha.
Dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ được đầu tư, xây dựng trên toàn bộ bãi triều Cần Giờ với một biển hồ nhân tạo 800ha.
Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ cho biết nhu cầu vật liệu san lấp cho khu đô thị của Dự án cần khoảng 130 triệu m3 cát. Nếu khai thác vật liệu tại chỗ thì tổng khối lượng cát khai thác có thể đáp ứng được khối lượng này.
Để nghiên cứu, đánh giá phương án khai thác vật liệu san lấp tại chỗ của dự án, Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ phối hợp với đội ngũ các đơn vị tư vấn có năng lực, uy tín trong nước và trên thế giới như: Viện nghiên cứu Deltares (Hà Lan); Viện Môi trường và Tài nguyên – Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh; Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học sông biển thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Bên cạnh đó, chủ đầu tư và Sở Khoa học và Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo “Đề xuất phương án nghiên cứu khai thác vật liệu san lấp tại chỗ của Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ” để ghi ý kiến của các nhà khoa học để điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện đề cương nghiên cứu phương án khai thác vật liệu tại chỗ cho Dự án.
Theo đó, các nhà khoa học cho rằng việc nghiên cứu khai thác vật liệu san lấp tại chỗ sẽ góp phần giải quyết được phần lớn nguồn vật liệu san lấp; thu hút đầu tư trong và ngoài nước; góp phần thúc đẩy sự phát triển đến kinh tế - xã hội.
Nhiều chuyên gia đầu ngành ủng hộ Đề án này và cho rằng đây là một đề xuất phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay, phù hợp với chủ trương của nhà nước về khuyến khích đầu tư, nghiên cứu nguồn vật liệu tại chỗ cho các dự án xây dựng. Người dân sẽ không phải sử dụng nguồn cát từ nơi khác đến.
Ngoài ra, theo Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý Môi trường (Đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh), Đề án khai thác vật liệu san lấp tại chỗ sẽ khơi thông được một sức sáng tạo mới,.
Có thể nói, đây là một dự án được Chính phủ thông qua và được nhiều người trong tầng lớp khoa học ủng hộ.
Để phương án được tối ưu hoá, chủ đầu tư cần đánh giá tác động môi trường, đồng thời tiếp tục ghi nhận những góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia để kịp thời điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện đề án.
(Tổng hợp bởi odt.vn)