Mục đích của việc di dời cá nhà máy, xí nghiệp tọa lạc trên đất “vàng” tại Thủ đô là để xây dựng công viên, các công trình công cộng, trường học nhưng trên thực tế “mọc” lên trên đó lại là những tòa cao ốc, chung cư hàng chục tầng.

Hàng loạt cao ốc “mọc” lên sau khi các nhà máy tọa lạc trên đất “vàng” bị di dời

Ảnh minh họa

Điểm danh loạt cao ốc “mọc” trên đất “vàng”

Theo thống kê, quận Thanh Xuân – thủ phủ của các cơ sở sản xuất công nghiệp nhẹ là nơi có đến hàng chục dự án cao ốc được xây dựng trên đất công nghiệp sau khi di dời.

Đáng chú ý, trên địa bàn quận, con đường Nguyễn Tuân chỉ có chiều dài khoảng 1km nhưng có đến 3 dự án chung cư lớn nhỏ.

Đầu tiên phải kể đến dự án Thống Nhất Complex tại số 82 Nguyễn Tuân. Dự án này có diện tích 18.000m2 bao gồm tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và 2 khối nhà chung cư cao 25 tầng (552 căn hộ)

Qua tìm hiểu, đây vốn là đất công nghiệp của Công ty TNHH MTV Thống Nhất, tiền thân là Nhà máy xe đạp Thống Nhất. Năm 2011, Công ty này đã liên doanh với Công ty TNHH phát triển Bắc Việt, góp 30% vốn thành lập Công ty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt để thực hiện dự án Thống Nhất Complex.

Cách đó không xa, tại số 90 Nguyễn Tuân, một dự án khác đang được triển khai xây dựng trên khu đất có quy mô 3,7ha. Theo thiết kế, dự án này bao gồm 2 toàn  nhà cao 29 tầng nổi và tổ hợp 87 nhà thấp tầng. Được biết, trước đây khu đất này thuộc sự quản lý và sử dụng của một Xí nghiệp xe buýt thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco).

Đến tháng 7/2017, UBND TP Hà Nội ký quyết định thu hồi khu đất này và giao cho Công ty cổ phần Đầu tư đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà 7 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Dự án thứ 3 nằm trên trục đường Nguyễn Tuân có quy mô 2,2ha là dự án xây dựng Tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng gồm 4 toà cao từ 27 - 35 tầng với hơn 1.500 căn hộ. Trước đó, diện tích đất trên bị thu hồi và giao cho Công ty Cổ phần dệt Mùa Đông. Sau đó, chính Công ty này thành lập Công ty cổ phần bất động sản Mùa Đông-VID để thực hiện dự án.

Không chỉ tại quận Thanh Xuân, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng cũng ghi nhận nhiều trường hợp xây dựng nhà cao tầng trên đất công nghiệp sau di dời. Đơn cử là dự án Thăng Long Garden, bao gồm 2 tòa chung cư và 1 tòa nhà văn phòng cho thuê tại số 250 Minh Khai.

Dự án được triển khai xây dựng trên khu đất có quy mô 13.500 m2 – trước đó thuộc quyền sử dụng của Công ty Cổ phần May Thăng Long.

Giải pháp nào cho vấn đề này?

Trước thực trạng các khu đất vàng công nghiệp bị thâu tóm ngay sau khi di dời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015. Quyết định ghi rõ, sau khi di dời, quỹ đất của các cơ sở ô nhiễm sẽ được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị.

Tuy nhiên, thực trạng trên vẫn liên tục tiếp diễn, thậm chí mọc lên trên đó là những chung cư cao cấp, hoành tráng mà hiếm thấy các công trình công cộng, công viên cây xanh hay trường học được thực hiện.

Điều này không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn tác động trực tiếp đến hạ tầng giao thông, hạ tầng môi trường và làm ảnh hưởng đến diện mạo đô thị và quy hoạch chung của thành phố.

(Nguồn Tổng hợp)