Chính phủ đề xuất cắt giảm 70% thời gian thực hiện thủ tục đầu tư đối với loại hình nhà ở xã hội, từ khoảng 300 ngày xuống còn tối đa 75 ngày, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và gia tăng nguồn cung NƠXH cho thị trường. 

Đề xuất đột phá: Giảm 70% thời gian thủ tục đầu tư NƠXH

Chính phủ vừa trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Dự thảo được kỳ vọng gỡ “điểm nghẽn” thủ tục trong phát triển phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân…

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, hiện nay, thời gian từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư đến lựa chọn nhà đầu tư mất khoảng 300 ngày. Với đề xuất mới, thời gian này sẽ rút ngắn còn tối đa 75 ngày, tương đương giảm 70% . Đặc biệt, đối với các dự án nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công, Chính phủ kiến nghị giao Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và giao thẳng chủ đầu tư mà không cần thông qua hình thức đấu thầu.

Để được giao dự án, nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện như: là doanh nghiệp hoặc hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản; đảm bảo tỷ lệ dư nợ tín dụng, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trên vốn chủ sở hữu theo quy định; có vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tổng mức đầu tư đối với dự án dưới 20ha, và tối thiểu 15% đối với dự án từ 20 ha trở lên. Trường hợp có nhiều nhà đầu tư đạt điều kiện, việc lựa chọn sẽ dựa trên kinh nghiệm triển khai dự án, năng lực tài chính và thời điểm nộp hồ sơ.

Đề xuất này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung nhà ở xã hội vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế. Việc cắt giảm thủ tục hành chính cũng phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ trong việc cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đánh giá, đề xuất trên sẽ rút ngắn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho cả Nhà nước và nhà đầu tư khi triển khai dự án nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị Chính phủ bổ sung cơ chế giám sát, kiểm soát để tránh tiêu cực và lãng phí. Đồng thời, cần làm rõ các tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư khi có nhiều đơn vị cùng đăng ký, đảm bảo tính minh bạch trong quá trình thực hiện.

Cùng với việc lựa chọn nhà đầu tư, các thủ tục hành chính khác như quy hoạch, thiết kế, chuẩn bị và thực hiện đầu tư, cũng được lược giản tối đa. 

Cụ thể, về thủ tục quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chưa có quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt hoặc có yêu cầu điều chỉnh quy hoạch chi tiết thì không phải thực hiện thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ đồ án quy hoạch chi tiết. Điều này giúp cắt giảm 55 ngày so với quy định hiện hành. 

Ngoài ra, việc lồng ghép nội dung thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi vào thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở hoặc cấp giấy phép xây dựng có thể cắt giảm 15 - 30 ngày thời gian thực hiện. 

Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội đang được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV theo quy trình rút gọn, nhằm sớm đưa chính sách vào thực tiễn.