Trong vài năm trở lại đây, bất chấp giá sở hữu ban đầu là rất lớn, nhiều chủ căn hộ chung cư cao cấp vẫn quyết định “bán cắt lỗ” để tìm khách hàng. Trong khi đó, thị trường căn hộ bình dân lại ghi nhận giao dịch ổn định cả về số lượng và mức giá.
Người chịu lỗ, người chuyển hướng cho thuê
Theo một cuộc khảo sát bởi odt.vn, nhiều dự án chung cư cao cấp tại Hà Nội đang giảm giá sâu trên thị trường thứ cấp. Chẳng hạn, năm 2018, anh Phạm Xuân Hải (tên nhân vật đã được thay đổi) từng mua căn hộ rộng 75m2 thuộc khu chung cư Ecolife Capitol (Tố Hữu, Hà Đông). Sau hơn 1 năm loay hoay tìm người mua, anh quyết định đầu tư gần 300 triệu đồng tiền nội thất. Tổng cộng, anh đã bỏ ra hơn 3 tỷ đồng cho căn nhà này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, anh phải chấp nhận để giá 2,5 tỷ đồng và cho biết nếu để giá cao hơn sẽ không có người hỏi mua.
Năm ngoái, chị Phạm Quỳnh Anh tại Nam Từ Liêm cũng quyết định rao bán căn hộ chung cư cao cấp của mình ở Tây Hồ. Chia sẻ với chúng tôi, chị cho hay: “Chị đã tìm hiểu rất kĩ về thị trường và nhận thấy những giao dịch thành công đều phải chấp nhận chịu lỗ. Chị đành chuyển hướng sang cho thuê và chờ đợi nhu cầu thị trường tăng”
Không nằm ngoài xu hướng, giá rao bán nhiều căn hộ chung cư cao cấp cũng đang trượt dốc trên thị trường thứ cấp. Ví dụ, Seasons Avenue từng được chào bán với giá khoảng 40 triệu đồng/m2 thì giá rao hiện cũng chỉ còn khoảng 30 triệu đồng/m2. Tương tự, Mulberry Lane cũng từng ghi nhận giá chào bán là 40 triệu đồng/m2, nay giá giao dịch chỉ còn 26 - 28 triệu đồng/m2, tương đương với mức giảm 20 – 30%.
Trái ngược với diễn biến trên, phân khúc căn hộ bình dân đã qua sử dụng, trong khoảng giá từ 1 tỷ - 1,5 tỷ đồng ghi nhận giao dịch ổn định cả về số lượng và mức giá. Phần lớn các chủ nhà đều thu hồi được vốn vì bán được với mức giá ngang bằng lúc mua. Thậm chí, một vài trường hợp tại Khu đô thị Dương Nội hay Xuân Mai Complex… người bán còn có lãi. Như vậy, không hề có hiện tượng bán cắt lỗ như phân khúc chung cư cao cấp.
Do lệch pha cung cầu
Giám đốc một sàn giao dịch BĐS có tiếng tại Hà Nội phân tích, nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên là do sự lệch pha cung cầu. Cụ thể, gần 80% nhu cầu về nhà ở của người dân ở khu vực đô thị thuộc phân khúc giá rẻ. Nhưng nguồn cung mấy năm gần đây lại rất khan hiếm. Do đó, dù đã qua sử dụng nhưng chung cư giá rẻ vẫn hấp dẫn người mua.
Ngược lại, lượng cung nhà ở cao cấp lại rất cao, không ngừng tăng qua mỗi năm. Trong khi phân khúc này chỉ phục vụ cho giới người giàu, siêu giàu, người nước ngoài – đối tượng chiếm tỉ lệ rất nhỏ tại Việt Nam. Không khó hiểu vì sao, chung cư cao cấp đã qua sử dụng dễ dàng mất giá, người sở hữu khốn khổ tìm cách thanh lý.
Lý giải cho việc nguồn cung nhà ở cao cấp dư thừa nhưng các các chủ dự án vẫn lao vào đầu tư, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng: Theo tâm lý của giới đầu tư, tỷ lệ vốn đầu tư trên 1m2 đất càng cao thì lợi nhuận thu lại sẽ các càng lớn. Do đó, các chủ đầu tư không mặn mà với nhà giá rẻ mà tập trung vào nhà ở cao cấp.
(Tổng hợp bởi odt.vn)