Dù lượng giao dịch thấp kỷ lục trong ba quý đầu năm 2020, nhưng giá bất động sản tại nhiều địa phương tại khu vực phía Nam, đặc biệt là TP.HCM đều ghi nhận xu hướng tăng.

Bất chấp dịch bệnh, giá nhà tại TP.HCM vẫn tăng

Tiệm cận mức trung bình 47 - 49 triệu đồng/m2

Tổng hợp số liệu 9 tháng đầu năm 2020 của ODT cho thấy, giá bất động sản tại TP.HCM đang duy trì ở mức cao bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhu cầu tìm kiếm giảm. Cụ thể, trong quý I.2020, mức độ quan tâm tìm mua bất động sản giảm đến 32% tại khu vực phía Nam và gần 47% tại TP.HCM. Trái ngược lại, giá rao bán trung bình của hầu hết các phân khúc nhà đất đều chứng kiến mức độ tăng nhẹ trong khoảng 1 - 3%. Riêng phân khúc căn hộ chung cư, giá bán bình quân chạm ngưỡng 40,3 triệu/m2, tăng 2% so với quý IV.2019 dù lượng tin đăng giảm 27%, lượng tìm kiếm giảm 10%.

Kịch bản này tiếp tục duy trì trong hai quý tiếp theo. Theo đó, giá bán trung bình quý II tăng thêm 9% so với cùng kỳ và 1% so với quý trước. Đáng chú ý, 2 tháng đầu quý III dù phải chịu tác động lớn từ làn sóng Covid thứ 2, giá nhà vẫn tăng đều đặn. Minh chứng là giá bán chung cư trong tháng 7 đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2019. Sang tháng 8, giá tăng tiếp 0,7% so với tháng 7.

Tổng Giám đốc điều hành của CBRE Việt Nam – Bà Đặng Phương Hằng nhận định, giai đoạn 2015 - 2020, giá bán căn hộ sơ cấp tại thị trường TP.HCM tăng trung bình từ 5 - 7,3%/năm, tiệm cận mức giá khoảng 47,5 - 49 triệu đồng/m2. Nếu tính biên độ cao nhất thì giá căn hộ tại một số dự án còn tăng từ 23 - 24%.

Lý giải của các chuyên gia

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu khiến giá nhà tại đây không giảm là do thị trường chưa hề có hiện tượng suy thoái, nhu cầu mua thực vẫn ở mức cao và sự khan hiếm nguồn hàng sơ cấp.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, từ năm 2019, nguồn cung trên thị trường đã có dấu hiệu giảm. Đến đầu năm 2020, vì các vấn đề pháp lý và dịch bệnh, thành phố gần như không có dự án mới nào được ra mắt.

Sự thiếu hụt nguồn cung mới cộng với nhu cầu cao từ người mua khiến các chủ đầu tư tin tưởng vào khả năng hấp thu của thị trường và vẫn để giá bán ở mức cao. Một nguyên nhân nữa cũng không kém phần quan trọng là, chi phí phát triển dự án gần như đã được tối ưu. Nếu giảm giá bán đồng nghĩa với việc chủ đầu tư phải chịu lỗ, ông Đính cho hay.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trí Hiếu – một tiến sĩ về kinh tế nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam rất khó rơi vào khủng hoảng, kể cả trong đỉnh điểm của đại dịch Covid-19. Nhìn lại quá khứ, giai đoạn 2008 – 2012, giá nhà đất giảm tới 30 - 40% nhưng nguyên nhân lại xuất phát từ các quy định siết chặt tín dụng của nhà nước. Lãi suất cho vay thời điểm đó lên tới 27%/năm khiến những người vay để đầu cơ mất khả năng thanh toán. Nhưng hiện tại lãi suất đang ở mức thấp giúp giới đầu tư có thể cầm cự được dù thị trường biến động.

“Do chuỗi cung ứng gặp khó khăn, giá nguyên vật liệu đầu vào khan hiếm nên chi phí xây dựng ở mức cao. Mặt khác, chi phí đầu tư, vốn và các chi phí khác rất khó để cắt giảm nên chủ đầu tư khó có thể bán giá thấp”, ông Hiếu đánh giá.

(Tổng hợp bởi odt.vn)