Đây là kết luật của Thủ tướng tại buổi làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về đề nghị bổ sung 2 khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang vào quy hoạch tổng thể phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020.

bac-giang-bo-sung-2-khu-cong-nghiep-hon-1300ha-vao-quy-hoach-tong-the

Ảnh minh họa.

Bổ sung 2 khu công nghiệp hơn 1.300ha vào quy hoạch tổng thể

Theo đó, hai khu công nghiệp sẽ được bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 là khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Yên Sơn - Bắc Lũng (diện tích 662ha) và khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Yên Lư (diện tích 718ha).

Dựa trên cơ sở việc bổ sung 2 khu công nghiệp vào quy hoạch chung, Thủ tướng yêu cầu tỉnh sớm triển khai thực hiện đầu tư, tranh thủ thời cơ, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài lớn chuyển dịch vào Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các địa phương khẩn trương thống nhất phương án điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia đã được phân bổ để báo cáo trước 30/6/2020.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần khẩn trương chủ trì thẩm định đề án bổ sung quy hoạch  khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Yên Sơn - Bắc Lũng và khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Yên Lư vào báo cáo trong tháng 6 này.

Hiện tỉnh Bắc Giang có 6 khu công nghiệp gồm Song Khê – Nội Hoàng, Đình Trám, Vân Trung, Quang Châu, Hòa Phú và Việt Hàn; trong đó 4 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.058ha đã đi vào hoạt động (khu công nghiệp Quang Châu, khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng, khu công nghiệp Đình Trám, và khu công nghiệp Vân Trung).

Các khu công nghiệp của tỉnh tập trung chủ yếu vào các ngành nghề như lắp ráp linh kiện điện tử, gia công, pin năng lượng mặt trời, cơ khí chế tạo, may mặc…

Trước đó, trong Kế hoạch chiến lược phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành, tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm công nghiệp trong khu vực. Trong đó, Bắc Giang sẽ phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng với thứ tự ưu tiên như sau: Công nghiệp cơ khí chế tạo; công nghiệp điện tử; công nghiệp chế biến nông - lâm sản, thực phẩm; công nghiệp dệt may, da giầy; công nghiệp khác.

(Tổng hợp bởi odt.vn)