Sở Giao thông Vận tải và Liên danh Công ty Nippon Koei Nhật Bản và Nippon Koei Việt Nam vừa báo cáo đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ.

ba-ria-vung-tau-lap-quy-hoach-du-an-trung-tam-logistics-cai-mep-ha

Lập quy hoạch trung tâm logistics lớn nhất Việt Nam

Theo đó, đơn vị tư vấn của dự án là Liên danh Công ty Nippon Koei Nhật Bản và Nippon Koei Việt Nam đề xuất giải pháp quy hoạch, phương án sử dụng đất, kế hoạch phân kỳ đầu tư và nguồn lực thực hiện; phân tích hiện trạng; dự báo nhu cầu hàng hóa của dự án. Đồng thời, đơn vị tư vấn có trách nhiệm giải trình các ý kiến góp ý của các Sở, ngành và các cơ quan có liên quan về hồ sơ Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ.

Trung tâm logistics Cái Mép Hạ với quy mô khoảng 1.763ha thuộc phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ. Dự án gồm các phân khu như Cảng thuỷ nội địa, Trung tâm Logistics, Cảng Cái Mép Hạ hạ lưu, Trung tâm thương mại, Văn phòng, Khu dự trữ sinh thái, Trung tâm năng lượng sạch, mặt nước (luồng, vũng quay tàu, khu nước trước bến). Bốn phân khu chính của dự án gồm 984ha trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép hạ lưu; 455ha khu nước luồng, khu nước trước biển; 197ha khu năng lượng sạch; và 125ha khu nước bến cảng tiềm năng. Chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng và bến cảng dự kiến khoảng 19.336 tỷ đồng. 

Mục tiêu quy hoạch là nhằm xây dựng một nơi trung chuyển hàng hóa tầm cỡ khu vực và thế giới, giải quyết bài toán tối ưu hóa chi phí vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu từ tất cả các đầu mối giao thông dự kiến phục vụ gồm đường sắt, đường biển, đường bộ, đường hàng không…

Đây sẽ là nơi tiếp nhận, sơ chế nguyên liệu, lưu trữ, đóng gói, phân phối hàng hoá, dán nhãn và nhiều dịch vụ khác phục vụ các khu công nghiệp lân cận. Ngoài ra, đây còn là khu vực có chức năng tiếp nhận, trung chuyển hàng hóa đi, đến các tỉnh thành trong cả nước và các quốc gia trên thế giới; gắn kết với Khu dịch vụ hỗ trợ khác như khu kiểm tra hải quan, biên phòng, khu tài chính ngân hàng, kiểm dịch, cơ sở đào tạo logistics, khu thương mại tự do, khu nhà hàng khách sạn nhà ở cho công nhân, nhà công vụ.

Trước đó, vào hồi tháng 9/2018, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo về việc xây dựng dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ và dự án cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ tại thị xã Phú Mỹ. Tập đoàn Geleximco đã được giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng trung tâm logistics Cái Mép Hạ. Còn đối với dự án cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ, Công ty Cổ phần đóng tàu và dịch vụ dầu khí Vũng Tàu đã trở thành chủ đầu tư dự án. 

Theo quy hoạch, dự án Trung tâm logistics và Cảng tổng hợp container Cái Mép hạ gồm hai phần: Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ. Thực hiện chủ trương của Chính Phủ về quy hoạch và phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, Tập đoàn Geleximco sẽ tiến hành nghiên cứu, khảo sát và phát triển dự án cảng nước sâu Cái Mép tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu – cảng nước sâu đầu tiên tại Việt Nam với hiệu quả kinh tế cao.

Theo thống kê mới đây của Hiệp hội DN logistics Việt Nam, cả nước hiện có khoảng hơn 1.300 doanh nghiệp logistics đang hoạt động, hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16 – 20%, logistic sẽ trở thành một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam.

(Tổng hợp bởi odt.vn)