5 năm trở về trước, khi mà thị trường bất động sản đón nhận những tín hiệu tích cực đầu tiên sau một thời gian dài ngủ đông, thì cũng là lúc làn sóng du nhập của các loại hình “bất động sản lai” đổ xô vào Việt Nam.

Với những lời mời gọi và cam kết ưu đãi hấp dẫn, condotel và officetel trở thành miếng bánh béo bở trong mắt những nhà đầu tư. Vậy mà, chỉ sau một thời gian ngắn, người sở hữu chúng đã phải nhận trái đắng.

Sở hữu “bất động sản lai”, nhà đầu tư nhận trái đắng

Lộ ra nhiều yếu điểm

 “Bất động sản lai” có thể hiểu một cách đơn giản là những mô hình kinh doanh bất động sản đa chức năng, mà đại diện tiêu biểu là condotel, officetel. Cụ thể hơn, nếu condotel là sự kết hợp giữa căn hộ và khách sạn thì officetel lại là sự kết hợp của nhà ở và văn phòng. Xuất hiện tại Việt Nam khi thị trường bất động sản bắt đầu sôi động, những mô hình này được quảng cáo bằng nhiều mỹ từ, ví von như “con gà đẻ trứng vàng”, nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại.

Đối với condotel, người mua dần mất niềm tin vào loại hình này khi đã có quá nhiều ồn ào xảy ra như: FLC không chi trả lợi nhuận cho khách hàng; Bavico Nha Trang “vỡ trận” cam kết, không chi trả tiền lãi và mới đây nhất là Cocobay Đà Nẵng cũng dừng chính sách lợi nhuận 12%/năm. Các chuyên gia đánh giá, Cocobay sẽ không phải là trường hợp cuối cùng nếu người đầu tư tiếp tục mù quáng, tin vào những lời mời gọi có phần vô lý như vậy. Đối với officetel, dù không lùm xùm như condotel nhưng cũng đang khiến nhiều nhà đầu tư tìm cách quay đầu tháo chạy.

Đầu năm 2018, anh Trần Hoàng Đức ngụ tại Tây Hồ, Hà Nội, quyết định đầu tư 2 tỷ đồng để mua 1 căn officetel tại trung tâm thành phố. Sở hữu vị trí đắc địa, cùng số lượng doanh nghiệp thời điểm đó tăng trưởng mạnh khiến anh Đức đặt rất nhiều kỳ vọng vào đây. Nhưng sau gần 1 năm, chưa từng có khách hỏi thăm chứ đừng nói đến là thuê. Tìm hiểu nguyên nhân, anh mới phát hiện ra rằng, xung quanh căn officetel của anh có vô vàn các tòa nhà văn phòng cho thuê với mức giá rất cạnh tranh.

Chung hoàn cảnh với anh Đức, chị Nguyễn Thu Giang tại Cầu Giấy cũng đầu tư 2,4 tỷ đồng cho căn hộ officetel rộng 50m2 của mình. Trong đó 1,8 tỷ đồng là tiền mua căn hộ và 600 triệu đồng tiền nội thất. Mức giá thuê ban đầu chị Giang đưa ra là 16 triệu/tháng nhưng đã phải hạ dần xuống mức 13 triệu để ký được bản hợp đồng đầu tiên. Khách thuê là một gia đình 3 người mới chuyển công việc lên Hà Nội.

Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng họ đã chuyển đi với lí do là có rất nhiều căn officetel tương tự như vậy ở tòa nhà này. Mỗi căn lại có ít nhất 4 người khiến số lượng người sinh sống rất đông. Vì vậy, hạ tầng trong dự án từ bãi đỗ xe, thang máy, lối đi…. luôn trong tình trạng quá tải. Mặt khác, với cùng một số tiền đó, họ có thể thuê một căn hộ khác, tuy không đẹp bằng nhưng không gian sống lại thoải mái.

Không còn lựa chọn nào khác, chị Giang và anh Đức quyết định rao bán căn hộ. Dù đã chấp nhận chịu lỗ nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa bán được. Nguyên nhân là bởi Nhà nước vẫn chưa công nhận officetel là căn hộ để ở. Thêm vào đó là tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp nên khách mua đều cẩn trọng.

(Tổng hợp bởi odt.vn)