Việc có cần xin giấy phép khi sửa chữa nhà hay không và thủ tục như thế nào phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể
Khi nào cần xin giấy phép?
Theo quy định trong khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014, hai trường hợp sau được miễn giấy phép xây dựng:
- Trường hợp 1: Công trình cải tạo, sửa chữa không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm ảnh hưởng tới công năng sử dụng ban đầu, không tác động tới môi trường và an toàn công trình.
- Trường hợp 2: Công trình cải tạo, sửa chữa không làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong khu vực đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc.
Ví dụ, bạn không cần giấy phép khi xây ngăn phòng, nâng nền, đập nhà vệ sinh cũ để xây mới, lăn sơn nước, nâng nền, ốp lát gạch lại, thay hệ thống nước, sửa chữa hệ thống điện và chiếu sáng, đóng thạch cao ngăn phòng, đóng thạch cao trần, lắp vách nhôm kính, thay tôn mới, thay mái tôn bị dột, thay chân bồn nước, lắp đặt máy nước nóng, trang trí nội thất, dán giấy dán tường, và trang trí ngoại thất.
Ở những trường hợp còn lại, gia chủ cần xin giấy phép trước khi sửa chữa, cải tạo nhà ở, cụ thể:
- Công trình cải tạo, sửa chữa làm thay đổi kết cấu chịu lực.
- Công trình cải tạo, sửa chữa làm ảnh hưởng tới công năng sử dụng
- Công trình cải tạo, sửa chữa tác động tới môi trường và an toàn kiến trúc
- Công trình cải tạo, sửa chữa làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc
Ví dụ, xây thêm cầu thang; đập cầu thang cũ để xây mới; đúc thêm sàn, cột, thêm tầng; gia cố lại móng hay xử lý tình trạng nghiêng nhà, lún nhà. Ngoài ra, chủ nhà cũng cần xin giấy phép trong trường hợp ngôi nhà bị xuống cấp nghiêm trọng và diện tích ngôi nhà quá nhỏ để cơi nới và mở rộng diện tích ngôi nhà.
Thủ tục xin giấy phép khi sửa chữa nhà ở
Theo điều 96 Luật Xây dựng, để xin giấy phép khi sửa chữa nhà, chủ nhà cần phải chuẩn bị hồ sơ gồm những giấy tờ như bản sao các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất, bản sao giấy phép xây dựng, đơn đề nghị cấp giấy phép cải tạo và sửa chữa công trình, bản vẽ hiện trạng các bộ phận và hạng mục cần cải tạo, bản sao bản vẽ thiết kế thi công, và ảnh chụp ngôi nhà trước khi sửa chữa và cải tạo.
Sau đó, gia chủ nộp hồ sơ lên UBND cấp huyện để xử lý yêu cầu. Thời hạn giải quyết không quá 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
Theo Thông tư 250/2016/TT-BTC, lệ phí cấp giấy phép xây dựng do HĐND cấp tỉnh quyết định và khác nhau tại từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Sau khi nhận được giấy phép, việc cải tạo sửa chữa cần phải được tiến hành trong thời hạn 12 tháng. Nếu quá thời hạn trên, chủ nhà cần phải xin giấy phép mới hoặc làm đơn xin điều chỉnh hạng mục sửa chữa nếu không muốn công việc sửa chữa gặp gián đoạn. Trong thời hạn 12 tháng, gia chủ chưa thể tiến hành sửa chữa, cải tạo lại nhà ở thì có thể xin gia hạn giấy phép.
Khi chuẩn bị thi công, gia chủ cần phải treo bàng thông tin, biển báo và giấy phép sửa nhà ép plastic trước cửa nhà.