Các hư hỏng tại cầu Chương Dương hiện chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu và khả năng chịu lực của công trình. Tuy nhiên nếu không sớm đưa ra giải pháp khắc phục sẽ khiến cây cầu xuống cấp nhanh hơn.
Chờ thành phố chấp thuận
Cầu Chương Dương là một trong những cây cầu lớn tại Hà Nội, được xây dựng và hoàn thành vào năm 1985. Sau 35 năm đưa vào sử dụng, nhiều bộ phận, kết cấu của cây cầu đã có dấu hiệu hư hỏng và xuống cấp. Theo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, những hư hỏng hiện chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu và khả năng chịu lực của cầu. Song nếu không sớm đưa ra các giải pháp như sửa chữa, cải tạo gia cố kịp thời sẽ đẩy công trình vào giai đoạn xuống cấp nhanh hơn.
Cụ thể, lớp bê tông nhựa phần mặt cầu chính bị nứt, vỡ ngang mặt đường, tập trung chủ yếu trên dầm cầu ngang và ở vị trí khe nối các bản bê tông lắp ghép, gây ra hiện tượng thấm nước. Phía dưới bản mặt cầu, Lớp bê tông dày 14cm có dấu hiệu vỡ cục bộ do cốt thép bên trong bị gỉ.
Phía trên cây cầu, phần kết cấu thép vẫn trong trạng thái làm việc bình thường. Nhưng các hư hỏng và xuống cấp có thể dễ dàng nhận thấy và diễn biến ngày càng trầm trọng. Ngoài ra, trên cầu hiện còn một số khe co giãn cũ, gờ bê tông nhỏ và lan can cầu có chiều cao thấp (khoảng 110cm tính từ mặt cầu) gây tâm lý lo lắng cho người tham gia lưu thông.
Nhận thấy việc sửa chữa, cải tạo các hư hỏng của cầu Chương Dương một cách kịp thời sẽ giúp công trình gia tăng tính ổn định, cải thiện điều kiện chịu lực, kéo dài tuổi thọ cũng như đảm bảo an toàn giao thông.
Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông đã có văn bản gửi kiến nghị Sở Giao thông vận tải Hà Nội xem xét, báo cáo UBND thành phố và các đơn vị có liên quan phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sửa chữa cầu Chương Dương. Nếu được chấp thuận, ngành giao thông Hà Nội sẽ sửa chữa, cải tạo cầu Chương Dương trong giai đoạn 2020 - 2021.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 6 cầu bắc qua sông Hồng là: Nhật Tân, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Thăng Long, Chương Dương, Long Biên. UBND thành phố đã phê duyệt chủ trương xây cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan việc xây cầu Trần Hưng Đạo.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt ngày 31/03/2016 thì Hà Nội sẽ xây dựng mới 10 cây cầu bắc qua sông Hồng trong giai đoạn từ 2016 – 2030 gồm: cầu Tứ Liên, hầm/cầu Trần Hưng đạo, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, Cầu Việt Trì - Ba Vì, cầu Thượng Cát, cầu Hồng Hà, cầu Phú Xuyên, cầu Mễ Sở, cầu Vân Phúc, cầu Ngọc Hồi.
(Tổng hợp bởi odt.vn)