Trước khi mua nhà theo hợp đồng góp vốn, người mua cần phải tỉnh táo và thận trọng để tránh rủi ro khi chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết. Mua nhà theo hợp đồng góp vốn là một trong những loại hợp đồng mua bán có thể khiến người mua gặp nhiều rủi ro, và lâm cảnh mất trắng sau nhiều năm đóng tiền. 

Bản chất của mua nhà theo hợp đồng góp vốn

Về bản chất, hợp đồng góp vốn hay còn gọi là hợp đồng thỏa thuận hợp tác đầu tư là hình thức huy động vốn để thực hiện dự án của doanh nghiệp, chủ đầu tư. Theo đó, do thiếu vốn triển khai dự án, các doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ huy động tiền từ khách hàng ngay khi dự án còn đang triển khai hoặc đang chuẩn bị các thủ tục pháp lý với giá bán cực rẻ. 

Do mục đích chính của hợp đồng này là kêu gọi hợp tác góp vốn nên nó chỉ thể hiện quyền sở hữu của bên mua (bên góp vốn) đối với một phần dự án trong khi mục đích thật sự của bạn là mua nhà. Hợp đồng này thường mang những rủi ro pháp lý như:

  • Mang bất lợi cho khách hàng: Chủ đầu tư thường soạn sẵn mẫu hợp đồng nên người mua thường không có cơ hội thảo luận hay bàn bạc về quyền lợi của mình. Một khi có tranh chấp, khách hàng sẽ là người gặp bất lợi.
  • Khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ: Quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia góp vốn không được chặt chẽ, nhất là với các cá nhân đầu tư hoặc mua nhà để ở. Khách hàng có khả năng bị chiếm dụng vốn và bị mất trắng.
  • Không quy định nhiều về trách nhiệm của chủ đầu tư: Đây là dạng hợp đồng phân chia lợi nhuận nên nếu có tranh chấp xảy ra, thì bên chủ đầu tư sẽ chia lợi nhuận mà không bồi thường thiệt hại cho bên mua.
  • Rủi ro khi hợp đồng vô hiệu: Hợp đồng góp vốn với mục đích mua bán bất động sản có khả năng vô hiệu do chưa có cơ sở hạ tầng và đáp ứng các điều kiện khác như Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.

Cách tránh mất tiền oan khi mua nhà theo hợp đồng góp vốn

Do hợp đồng góp vốn chứa đựng nhiều rủi ro, người mua cần phải thận trọng và cẩn thận trước khi đặt bút ký.

  • Chỉ góp vốn vào nhà đất đã có pháp lý đầy đủ. Người mua cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ pháp lý gồm một số giấy tờ quan trọng như giấy phép kinh doanh của chủ đầu tư, giấy phép xây dựng, giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, biên bản nghiệm thu phần móng (đối với dự án đã hoàn thành phần móng). 
  • Ký hợp đồng góp vốn của chủ đầu tư có uy tín và tên tuổi trên thị trường. Tránh những đơn vị từng dính đến tranh chấp. Đối với chủ đầu tư mới, người mua nên tìm hiểu lịch sử kinh doanh trước.
  • Khách hàng luôn phải chuẩn bị sẵn kế hoạch dự phòng để chủ động ứng phó trong trường hợp có vấn đề bất trắc xảy ra trong quá trình đầu tư góp vốn.
  • Đọc kỹ hợp đồng góp vốn, chú ý các thông tin như thời hạn góp vốn, giá trị tài sản góp vốn, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng. Xem xét kỹ điều khoản bồi thường trong hợp đồng. 
  • Khách hàng nên thận trọng với những sản phẩm có giá rẻ bất thường, lợi nhuận hấp dẫn. Bởi những bất động sản này cũng tiềm ẩn mức độ rủi ro cao.